14 C
Vietnam
Thứ hai, Tháng mười hai 9, 2024

Ngành Thép Việt Nam Trên Đà Phục Hồi Mạnh Mẽ Năm 2024

Không nên bỏ qua

Ngành thép Việt Nam đang ghi nhận nhiều dấu hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt là trên thị trường nội địa. Sau khi giảm nhẹ 2,4% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của toàn ngành đã tăng trở lại.

Nhiều tín hiệu khả quan

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng tiêu thụ toàn ngành trong tháng 4 đạt 2,6 triệu tấn, tăng 31,5% so với cùng kỳ nhờ nhu cầu từ xây dựng dân dụng và đẩy mạnh các công trình đầu tư công trọng điểm. Trong đó, thép xây dựng tăng 62% đạt 1,19 triệu tấn; sản lượng bán tôn mạ đạt 538,5 nghìn tấn, tăng 52%. Xuất khẩu cũng ghi nhận kết quả khả quan. Theo Tổng cục Hải quan, tháng 4/2024 Việt Nam xuất khẩu trên 1,1 triệu tấn sắt thép, thu về 835,14 triệu USD, tăng 0,9% về lượng và 0,04% về kim ngạch. Xuất khẩu thép 4 tháng đầu năm đạt hơn 3,2 tỷ USD với 4,34 triệu tấn, tăng 28% về giá trị và 33,7% về lượng so với năm trước.

Ngành thép sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trong cả năm 2024.
Ngành thép sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ trong cả năm 2024.

Trong đó, sản lượng bán hàng thép xây dựng của Tập đoàn Hòa Phát đã tăng 48% so với sản lượng trung bình hàng tháng của quý I/2024, đạt 471.000 tấn. Các công ty tôn mạ như Tập đoàn Hoa Sen, Thép Nam Kim, và Tôn Đông Á cũng cho thấy sự hồi phục tích cực với mức tăng lần lượt là 57%, 9%, và 75% so với sản lượng trung bình hàng tháng của quý I/2024.

Theo quan sát của các công ty phân tích, trong tháng 4, thị trường ghi nhận tín hiệu lạ khi các đại lý tăng cường tích lũy hàng tồn kho trái vụ. Thông thường, từ tháng 12 đến tháng 3 là giai đoạn tích hàng và tháng 4 là thời điểm bắt đầu xả hàng tiêu thụ. Việc các đại lý tích hàng trái vụ phần nào phản ánh nhu cầu cuối đang cải thiện và tồn kho đại lý đang ở mức thấp.

Bên cạnh đó, tín hiệu sức mua tăng trở lại còn thể hiện ở biên độ giảm giá của thép Việt Nam trên thị trường nội địa so với biến động của giá thép Trung Quốc. Ngành thép nước ta phải nhập khẩu lượng lớn nguyên vật liệu đầu vào nên giá thép nội địa thường biến động tương đương hoặc mạnh hơn giá thép thế giới, đặc biệt là so với Trung Quốc. Tuy nhiên, từ tháng 2 đến tháng 4/2024, theo dữ liệu của chứng khoán BSC, giá thép xây dựng Việt Nam trên thị trường nội địa chỉ giảm 2%, thấp hơn rất nhiều so với mức giảm từ 10 – 15% của giá thép xây dựng trên thị trường Trung Quốc. Đồng thời, các đợt giảm giá vừa qua diễn ra tương đối nhỏ lẻ, chỉ giảm từ 100 – 200 đồng/kg/lần.

Khuyến khích các nhà sản xuất thép giảm phát thải

Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa cập nhật, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tích cực về sản lượng bán hàng nội địa trong năm 2024, đặc biệt trong giai đoạn nửa cuối năm. Nhu cầu từ hoạt động xây dựng hạ tầng sau giai đoạn thu hồi đất và giải phóng mặt bằng, các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc – Nam, đường vành đai… là yếu tố hỗ trợ cho thị trường nội địa năm nay. Thị trường bất động sản vẫn sẽ đóng góp tỷ trọng cao nhất trong sản lượng bán hàng nội địa của các công ty sản xuất thép.

Chứng khoán Agribank cũng đánh giá kết quả kinh doanh quý II của ngành thép sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao so với nền thấp cùng kỳ trong bối cảnh sản lượng bán hàng quý II thép tiếp tục phục hồi, ước tính tăng 15% so với cùng kỳ và đạt gần 10,5 triệu tấn trên cơ sở tình hình bán hàng toàn ngành quý I tích cực và sản lượng tiêu thụ tháng 4 tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, ngành thép có khả năng phục hồi nhưng chưa thực sự rõ nét trong năm 2024 do các khó khăn trên thị trường bất động sản vẫn còn hiện hữu. Lượng tiêu thụ thép được dự báo sẽ tăng 7% lên 21,7 triệu tấn, sản lượng có thể đạt gần 29 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023.

Ngành thép kiến nghị Chính phủ hỗ trợ về tài chính để khuyến khích các nhà sản xuất thép nâng cấp các kỹ thuật sản xuất nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon, đồng thời loại bỏ dần năng lực sản xuất kém hiệu quả và lạc hậu. Bên cạnh đó, để phục vụ phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có các định hướng chính sách để bước đầu làm chủ công nghệ sản xuất các loại thép chế biến chế tạo cơ bản, từng bước thúc đẩy phát triển các mác thép đặc biệt và hợp kim có chất lượng cao phục vụ nhu cầu của ngành cơ khí, chế biến chế tạo trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Để hỗ trợ ngành thép, các chuyên gia kinh tế đề xuất, Bộ Công Thương cần tiếp tục nghiên cứu, áp dụng phù hợp các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ thị trường thép trong nước. Cùng với đó, tăng cường phối hợp với các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành thép để tận dụng cơ hội tại thị trường nội địa từ việc giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình giao thông, xây dựng lớn.

Có thể bạn quan tâm

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here

Bài viết mới nhất